Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch suy giảm, dẫn đến máu bị ứ đọng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về các cấp độ suy giãn tĩnh mạch chân, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục
Suy giãn tĩnh mạch chân có những cấp độ nào?
Suy giãn tĩnh mạch chân (suy giãn tĩnh mạch chi dưới) là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch chân do suy van tĩnh mạch. Tình trạng này làm tĩnh mạch bị giãn và nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da. Đây là một bệnh lý mãn tính, tiến triển qua các cấp độ sau:
Cấp độ 0: Ở giai đoạn này, các tĩnh mạch đã bắt đầu suy yếu nhưng không có biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Người bệnh chỉ có thể phát hiện ra mắc suy giãn tĩnh mạch nếu dùng các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Cấp độ 1: Các tĩnh mạch bắt đầu giãn ra, xuất hiện mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn với đường kính < 3mm. Thường xuất hiện ở các vùng dưới mắt cá trong, vùng đùi, bắp chân… Ở cấp độ này, các triệu chứng thường gặp là ngứa chân, mỏi chân, đau chân (tình trạng này nặng hơn khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều) nhưng dấu hiệu vẫn còn khá mờ nhạt, lúc có lúc không nên người bệnh thường không chú ý.
Cấp độ 2: Từ giai đoạn này trở đi, dấu hiệu của bệnh sẽ rõ ràng hơn. Các tĩnh mạch đã giãn > 3mm. Những triệu chứng cụ thể như đau nhức, tê bì chân, nặng chân và tĩnh mạch xanh tím nổi rõ trên da.
Cấp độ 3: Xuất hiện tình trạng bàn chân hoặc bắp chân bị sưng to, phù chân vào buổi chiều tối hoặc khi đứng nhiều.
Cấp độ 4: Do nguyên nhân ứ đọng máu nhiều ở ngoại vi nên gây loạn dưỡng da gây biến đổi sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da, đi kèm triệu chứng phù chân, xơ bì và sừng hóa. Khi ấn ngón tay vào vùng suy giãn tĩnh mạch thì sẽ tạo ra vết lõm.
Cấp độ 5: Tĩnh mạch nổi chằng chịt trên da, bắt đầu có vết loét ở chân, có khả năng lành.
Cấp độ 6: Xuất hiện nhiều vết loét ở chân hơn, các vết loét to – nhỏ xen kẽ lẫn nhau, vết loét khá sâu và khó lành.

Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh càng ngày càng tiến triển nặng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Viêm loét: Nếu suy giãn tĩnh mạch không được điều trị có thể gây ra các vết loét, chảy máu hoặc làm thay đổi màu da. Giãn tĩnh mạch nặng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu về tim của tĩnh mạch.
- Viêm tắc tĩnh mạch nông: Khi máu bị ứ đọng trong lòng tĩnh mạch giãn sẽ gây viêm và tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Biểu hiện thường thấy là vùng da dọc theo tĩnh mạch đỏ, sưng, đau và ấm nóng khi chạm vào.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tĩnh mạch nông bị suy giãn có nguy cơ hình thành huyết khối tại chỗ và di chuyển vào tĩnh mạch sâu tạo thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là gây thuyên tắc phổi, loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối, đau chân, phù nề chân kéo dài.
- Thuyên tắc phổi: Đây là tình trạng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nên cần được cấp cứu nhanh chóng. Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi là do cục máu đông hình thành từ huyết khối tĩnh mạch sâu bị vỡ ra, di chuyển theo dòng máu, đi đến và bị mắc kẹt trong phổi, gây thuyên tắc phổi.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch thế nào cho hiệu quả cao?
Hiện nay, điều trị suy giãn tĩnh mạch không còn chỉ dựa vào thuốc mà là sự kết hợp giữa nhiều phương pháp như thay đổi lối sống, sử dụng tất y khoa, can thiệp phẫu thuật. Cụ thể như sau:
Điều chỉnh lối sống
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu: Nên đứng dậy đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút ngồi/đứng làm việc để giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Tập thể dục thường xuyên: Rèn luyện thói quen vận động đều đặn, ưu tiên những bài tập giúp tăng cường sức khỏe cơ chân như bài tập nâng cẳng chân, nhón chân, đi tại chỗ, xoay cổ chân…
- Giảm cân khoa học nếu bị thừa cân: Thừa cân – béo phì sẽ gây áp lực lớn lên chân. Do đó, duy trì cân nặng ở mức phù hợp có thể ngăn ngừa giãn tĩnh mạch tiến triển.
- Tránh mặc quần bó sát: Vì quần bó sát có thể tăng thêm áp lực lên chân, khiến tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên lựa chọn trong phục rộng rãi, thoải mái.
- Nâng cao chân khi ngủ: Giúp máu chảy ngược về tim tốt hơn.
- Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid như ớt chuông, hành tây, bông cải xanh, cam, quýt, táo, việt quất, gừng…
- Xoa bóp: Massage nhẹ nhàng khu vực bị ảnh hưởng bởi suy giãn tĩnh mạch giúp máu lưu thông tốt hơn.

Dùng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch là phương pháp được sử dụng nhiều nhất nhằm giảm triệu chứng và cải thiện lưu thông máu. Các nhóm thuốc được sử dụng chủ yếu bao gồm:
- Diosmin và Hesperidin: Đây là hai flavonoid có nguồn gốc từ cam quýt, được sử dụng rộng rãi trong điều trị suy giãn tĩnh mạch. Cơ chế chính của Diosmin và Hesperidin là làm tăng trương lực thành mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm tính thấm và ức chế quá trình viêm. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng Diosmin và Hesperidin có tác dụng làm giảm các triệu chứng như đau, nặng chân, sưng và cảm giác khó chịu ở những người mắc suy giãn tĩnh mạch.
- Aescin: Đây là một hợp chất flavonoid chiết xuất từ hạt dẻ ngựa, có tác dụng làm bền thành mạch, giảm phù nề và chống viêm. Aescin giúp hạn chế tình trạng giãn tĩnh mạch và ứ trệ máu, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm phù nề, sưng tấy ở chân.
- Thuốc bôi ngoài da: Các thuốc bôi thường chứa thành phần như Aescin, Menthol, Rutin để giảm triệu chứng tại chỗ như sưng, đau, cảm giác nặng chân. Các thành phần này giúp làm mát, giảm viêm và thúc đẩy lưu thông máu.
- Thuốc chống đông (sử dụng trong trường hợp có huyết khối): Trong những trường hợp suy giãn tĩnh mạch có biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, các thuốc chống đông như Heparin (tiêm dưới da) và Rivaroxaban (thuốc uống) được sử dụng để ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ thuyên tắc.

Sử dụng tất y khoa
Tất y khoa (hay còn gọi là vớ áp lực y khoa) là một phương pháp không xâm lấn rất hiệu quả trong điều trị suy giãn tĩnh mạch. Tất y khoa hoạt động dựa trên cơ chế áp lực phân tầng. Áp lực được tạo ra từ tất sẽ giảm dần từ cổ chân lên đùi, giúp cải thiện dòng máu và thúc đẩy lưu thông máu tĩnh mạch:
- Áp lực mạnh nhất tại cổ chân: Áp lực ở cổ chân giúp đẩy máu lên phía trên, ngăn ngừa tình trạng ứ máu tại tĩnh mạch chi dưới.
- Áp lực giảm dần lên trên: Áp lực giảm dần khi đi lên đến đùi, giúp máu lưu thông hiệu quả, giảm tải cho các tĩnh mạch.
Với cơ chế tác dụng sẽ giúp giảm tình trạng giãn tĩnh mạch, giảm sưng, cải thiện đau nhức, nặng chân và tê bì.

Phương pháp can thiệp
Dưới đây là tổng hợp các phương pháp can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch theo thứ tự mức độ xâm lấn, từ các phương pháp ít xâm lấn đến các phương pháp xâm lấn:
Tiêm xơ
Tiêm xơ là phương pháp ít xâm lấn, sử dụng một dung dịch hoặc bọt foam tiêm vào tĩnh mạch giãn. Dung dịch này làm cho tĩnh mạch dính lại và dần dần biến mất sau một thời gian. Phương pháp này thời gian phục hồi nhanh và chi phí thấp. Tuy nhiên, cần thực hiện nhiều lần nếu tĩnh mạch giãn nhiều, có thể có biến chứng tạm thời như sưng, bầm tím.
Bơm keo sinh học
Đây là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch mới, không sử dụng nhiệt, nhẹ nhàng và ít xâm lấn. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa lượng keo sinh học phù hợp vào dọc theo chiều dài của tĩnh mạch bị suy giãn. Chất keo sinh học được nén chặt cho đến khi các thành tĩnh mạch bị giãn gắn kết lại với nhau và máu sẽ chuyển hướng lưu thông sang các tĩnh mạch khỏe mạnh khác ở chân.
Laser nội tĩnh mạch
Điều trị bằng laser là một phương pháp ít xâm lấn sử dụng tia laser để làm tắc các tĩnh mạch bị giãn. Một sợi quang học sẽ được đưa vào tĩnh mạch giãn qua vết rạch nhỏ trên da, sau đó tia laser được chiếu vào tĩnh mạch, làm tắc mạch và khiến nó co lại. Phương pháp này ít đau đớn, không để lại sẹo lớn, thời gian phục hồi khá nhanh.
Phẫu thuật nội soi cắt bỏ tĩnh mạch
Phẫu thuật nội soi là phương pháp được sử dụng khi bệnh nhân có loét hoặc các triệu chứng đã diễn biến nặng, tĩnh mạch giãn quá lớn. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên da, sau đó sử dụng ống nội soi để cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn. Phương pháp này có thể để lại sẹo nhỏ và cần thời gian hồi phục.

Nếu bạn cần giải đáp thêm thông tin về bệnh suy giãn tĩnh mạch, hãy gọi ngay đến hotline miễn phí 1800.1206 để được hỗ trợ tư vấn.